Thương lái Trung Quốc thu mua cả cỏ, nấm độc khiến hàng trăm hộ dân đổ xô vào rừng sâu tìm kiếm, đối mặt biết bao hiểm nguy.
Ngày 3/9, từ trung tâm huyện An Lão, tỉnh Bình Định, chúng tôi vượt gần 50 km đường núi mới đến được xã vùng cao An Toàn. Thế nhưng, tại đây chẳng thấy bóng thanh niên, người lớn đâu cả. "Họ vào rừng hái lan, hái nấm cả rồi" - một cụ già nói.
Thứ gì cũng mua
Ông Nguyễn Xuân Đào, Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn, cho biết muốn gặp người dân ở đây thì chỉ có ban đêm vì sáng sớm họ đã mang gùi lên rừng, chiều tối mới về. Hơn 180 hộ dân với 735 nhân khẩu nhưng ban ngày, xã này chỉ có cán bộ xã, người già và con nít. "Hơn 1 năm nay, thứ gì thương lái Trung Quốc cũng mua nên người dân đổ xô vào rừng tìm hàng để bán" - ông Đào nói.
Bà Bùi Thị Kim Hoa giới thiệu số lan kim tuyến vừa mua được
Người dân vào rừng gặp gì thu nấy nhưng nhiều nhất vẫn là nấm linh chi và lan kim tuyến vì những mặt hàng này có giá cao. Mỗi ký lan kim tuyến được mua tại chỗ với giá 1,25 triệu đồng, còn nấm linh chi tươi cũng có giá 50.000 đồng/kg. "Tất cả đều được đầu nậu thu mua rồi bán lại cho thương lái Trung Quốc. Giá này đã bị đầu nậu bắt chẹt rồi vì tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, lan kim tuyến có giá hơn 2,5 triệu đồng/kg" - ông Đào cho biết.
Ông Đào dẫn chúng tôi đến nhà bà Bùi Thị Kim Hoa, một đầu nậu thu mua các sản phẩm ở rừng. Tại đây, đồ rừng có đủ, từ nấm linh chi, nấm chân voi, lan kim tuyến, vỏ quế... và đến cả những loại cực độc như nấm hòm. Theo bà Hoa, thương lái Trung Quốc thu mua tất tần tật, còn người dân thì có tiền là tìm bán.
Trong số những sản phẩm của rừng ở nhà bà Hoa, có một loại đen sì mà người dân nơi đây gọi là nấm hòm vì nếu ăn phải thì không có thuốc chữa, chỉ còn cách vào hòm (quan tài). "Nấm này mà còn tươi thì tôi thu vào với giá 40.000 đồng/kg. Trước đây, trong rừng cao thuộc rừng đặc dụng An Toàn có đầy nấm này nhưng nay hết rồi" - bà Hoa nói.
Gần 17 giờ, vợ chồng ông Đinh Văn Ninh mới trở về. Kết quả của một ngày đi rừng là hơn 1 lạng lan kim tuyến cùng vài cây nấm hòm, nếu bán được thì cũng chỉ 130.000 đồng. "Nguy hiểm lắm, rừng cao, rắn rết đầy, sẩy chân là bỏ mạng như chơi" - ông Ninh nói. Theo ông Ninh, trước đây, gia đình 4 người của ông Đinh Văn Rem vào rừng hái nấm, cứ nghĩ rằng bán cho người Trung Quốc để họ ăn thì mình ăn được nhưng không ngờ sau khi ăn xong, cả nhà nôn đến mật vàng, mật xanh. "May mà lần ấy không phải ăn trúng nấm hòm, nếu không thì đã bỏ mạng" - ông Ninh lo lắng.
Chẳng biết thu mua để làm gì
Người dân, kể cả cán bộ xã An Toàn, đều không ai biết thương lái Trung Quốc thu mua các sản phẩm ở rừng để làm gì. "Nấm linh chi dùng làm thuốc, lan kim tuyến thì chưng cảnh nhưng còn cỏ thông và nấm hòm thì không biết họ mua về làm gì" - ông Đinh Văn Lực, cán bộ nông lâm xã An Toàn, băn khoăn.
Ngoài bà Hoa, ở xã An Toàn còn có những người mua dạo các loại thực vật từ rừng như bà Đinh Thị Lan nhưng tất cả đều không biết mục đích thương lái Trung Quốc thu gom. Sau khi thu mua của người dân, những đầu nậu này sẽ gom hàng để bán lại cho bà Nguyễn Thị Kết (ngụ xã An Hòa, huyện An Lão) và một người tên Sơn (ngụ thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
Chúng tôi liên lạc với ông Sơn qua điện thoại thì được biết ông cũng mù mịt về mục đích mua hàng của thương lái Trung Quốc. "Sau khi xem hàng, nếu ưng ý thì các thương lái Trung Quốc thường ủy quyền cho người Việt đứng ra giao dịch nên tôi chẳng tìm hiểu được gì nhiều" - ông Sơn nói. Ông Sơn cho biết đã nhiều lần bị các thương lái Trung Quốc đặt hàng rồi không đến lấy nên phải bán đổ bán tháo. "Tôi tính nay mai bỏ nghề thôi..." - ông Sơn rầu rĩ.
Theo ông Nguyễn Xuân Đào, việc người dân đổ xô vào rừng thu lâm sản bán cho thương lái Trung Quốc không chỉ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên đối với rừng đặc dụng mà còn ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Vơ vét cả... lá dừa
Gần 1 tuần trở lại đây, tại tỉnh Ninh Thuận xuất hiện một số người chuyên lùng sục đến các gia đình trồng dừa để hỏi mua với giá 1.000 đồng/lá.
Sáng 2/9, có khoảng 10 thanh niên sử dụng xe tải đến các nhà vườn ở phường Đài Sơn, TP Phan Rang - Tháp Chàm đặt vấn đề thu mua lá dừa. Những người này chỉ mua tàu lá tươi trên cây, theo phương thức: chặt lấy 1/3 lá tính từ ngọn xuống. Trong một buổi sáng, họ đã gom được gần nửa xe tải với khoảng hơn 300 lá dừa.
Khi được hỏi mua làm gì thì những người này cho biết về bán lại cho người nuôi tôm hùm lồng để kết bè ngoài biển. Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân, lá dừa rất dễ mục khi ngâm nước nên không thể kết bè ngoài biển. Hơn nữa, nếu làm bè thì phải dùng nguyên lá khô chứ không thể chỉ dùng 1/3 lá tươi.
Trong khi đó, nhiều nông dân khẳng định số người này đi thu gom lá dừa để bán cho thương lái Trung Quốc. "Cây dừa nếu không có tàu lá thì không thể quang hợp dẫn đến chết dần mòn hoặc không tạo trái được" - anh Định, một chủ vườn ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết.
L.Trường
|
Theo Hồng Ánh
Người Lao Động