(Dân trí) - Ngày 13/9 tại TP Đà Nẵng, Bộ Tư pháp và Phòng Thương mai và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức buổi hội thảo “Giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư”.
Đây là hội thảo lần thứ 3 sau khi đã tổ chức tại Hà Nội và TP HCM. Hơn 100 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước cùng lãnh đạo các tỉnh thành miền Trung từ TT-Huế đến Quảng Ngãi tham dự hội thảo.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2010, trong đó xác định “đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh” là một trong 3 khâu đột phá.
Lần thứ 3 sau Hà Nội và TPHCM, Bộ Tư pháp cùng VCCI tổ chức lấy ý kiến các đạo biểu về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư
Sau hơn 13 năm thực hiện, cùng với những hoạt động cải cách về kinh tế, pháp luật và tư pháp, công cuộc cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được triển khai mạnh mẽ, thu được nhiều kết quả tích cực, tạo thuận lợi cho người dân và DN trong sản xuất kinh doanh, thực hiện các giao dịch, qua đó góp phần quan trọng vào những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, cùng với việc hoàn thiện các chính sách, thể chế pháp luật để bảo đảm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phải đối mặt với các khó khăn, thách thức phát sinh do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế, các TTHC trong các lĩnh vực như đất đai, thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh... cũng đã từng bước được đơn giản hóa, ngày càng gần hơn với thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, bên cạnh những thành tựu cũng cần thẳng thắn nhận định rằng, công tác cải cách, đơn giản hóa TTHC nói chung trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh nói riêng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; TTHC còn rườm rà, phức tạp, chi phí tuân thủ còn lớn, gây cản trở cho hoạt động đầu tư, kinh doanh không chỉ của các nhà đầu tư trong nước mà còn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp, VCCI và các tỉnh thành miền Trung cùng các chuyên gia lắng nghe ý kiến của DN và địa phương
Những hạn chế bất cập này, một mặt làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam , mặt khác làm cản trở sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Chính vì vậy, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã xác định "hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính" là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Tầm quan trọng của vấn đề này tiếp tục được thể hiện qua thông điệp đầu năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó: “Thể chế có chất lượng cao với TTHC đơn giản, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đầy đủ sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, ngăn chặn tham nhũng lãng phí, góp phần quan trọng nâng cao sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế”.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch VCCI - ông Phạm Gia Túc - cho rằng hiện còn nhiều TTHC rườm rà gây phiền hà và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của DN. Chính vì thế, cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư là cấp thiết, cần cải cách theo hướng xây dựng một quy trình thủ tục thống nhất, công khai, minh bạch trên toàn quốc và cắt giảm những thủ tục không cần thiết.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do nội dung hướng dẫn về đầu tư quy định còn tản mạn trong nhiều văn bản của bộ ngành, đôi lúc còn chưa thật sự rõ ràng, đồng bộ.
TP Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư để xứng đáng là TP động lực trong phát triển kinh tế của các tỉnh thành miền Trung
Đặc biệt, hiện văn bản pháp luật về ngành nghề kinh doanh chưa cập nhật đầy đủ các lĩnh vực DN có nhu cầu hoặc mới phát sinh, một số ngành nghề chưa rõ ràng hoặc chưa tương thích các cam kết với WTO, nhất là lĩnh vực dịch vụ cũng làm khó cho DN và địa phương trong việc đăng ký kinh doanh.
Ông Võ Duy Khương dẫn chứng nhiều khi địa phương lên Bộ làm thủ tục cấp phép thì các bộ lại đùn đẩy nhau; hồ sơ thủ tục hành chính khi đưa về bộ thì bị “ngâm” rất lâu, không hiểu vì lý do gì. “Hồ sơ ngâm lâu chứng tỏ năng lực của cán bộ còn rất hạn chế”, ông Khương phát biểu.
Ông Khương kiến nghị các bộ, ngành cần thực hiện đúng cam kết về thời gian thẩm định đối với các dự án thuộc thẩm quyền của bộ để cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ông than thở: “Bản thân chúng ta cũng mệt mỏi vì thủ tục chứ nói gì đến nhà đầu tư”.
Đối với Đà Nẵng, theo ông Khương hiện có 4 bộ thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư gồm: Thủ tục xác nhận đầu tư, thủ tục đăng ký thẩm tra giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục đăng ký điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra không thêm thủ tục ngoài quy định.
Còn ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Phụ trách Ban Pháp chế VCCI nhận xét có quá nhiều quy định trong TTHC thực hiện dự án đầu tư từ luật, nghị định đến các thông tư, văn bản khiến DN rối bời. Hệ thống quy định pháp luật về TTHC trong thực hiện dự án đầu tư còn phức tạp, chồng chéo và không thống nhất. Chẳng hạn, Luật Đầu tư chưa tương thích với nhiều luật khác trong lĩnh vực thương mại, xây dựng và kinh doanh bất động sản, đất đai…
Theo kết quả điều tra khảo sát của VCCI cho thấy, 8.053 DN trong nước và 1.540 DN FDI đánh giá những thủ tục phiền hà hàng đầu đối với nhà đầu tư là các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng. Chỉ tính riêng quy định pháp luật liên quan tới TTHC trong thực hiện dự án đầu tư đã có tới 6 luật, 10 nghị định, 9 thông tư.
Bên cạnh đó mỗi địa phương đều có những văn bản quy định điều chỉnh khác nhau, số lượng và trình tự thực hiện TTHC khác nhau cho cùng một vấn đề. Sự chồng chéo thủ tục giữa các ban ngành gây ức chế đối với nhà đầu tư. Hầu như không có cơ quan quản lý Nhà nước nắm toàn bộ hoạt động đầu tư của dự án. Sự phối hợp, cơ chế chia sẻ thông tin giữa các ban ngành và nội bộ các cơ quan nhà nước không thống nhất đã làm sức hút đầu tư FDI ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn nhiều quốc gia trong khu vực.
Theo kiến nghị của VCCI, trong giai đoạn ngắn hạn từ nay đến 2015, Chính phủ cần rà soát toàn bộ quy trình và tiến trình hài hòa hóa để có sự thống nhất cao nhất, nhằm rút ngắn thủ tục giấy tờ, thời gian, sự rủi ro cho nhà đầu tư.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, hiện Việt Nam đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các luật quan trọng như luật đất đai, xây dựng, đầu tư... Cần tận dụng cơ hội tốt này để có được một sự thống nhất trong các TTHC giữa các Bộ ngành, hình thành “luật TTHC” cho nhà đầu tư, dùng “một luật để sửa nhiều luật” liên quan.
Cuối cùng Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu: “Sau Hội nghị này, tôi đề nghị Cục Kiểm soát TTHC phối hợp với nhóm công tác của Ban Cải cách quy định hành chính liên quan đến hoạt động của DN tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu, để trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện các phương án cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư, góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư để cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư để trình Chính phủ đúng tiến độ”.
Theo Dân Trí