(Dân trí) - Sau khi giá xăng trong nước được điều chỉnh tăng tới 3 lần thì giá thế giới liên tục trong đà giảm mạnh. So với mức giá ngày 15/7, giá xăng RON 92 Singapore đã giảm trên 10% và thấp hơn mức giá đóng cửa ngày 13/6, trước thời điểm tăng giá 14/6.
Quan sát giá xăng dầu thế giới, người dân kỳ vọng sẽ có một đợt giảm sau chỗi tăng liên tiếp, nhưng không biết đến bao giờ!
Xăng dầu thế giới lao dốc
Theo dữ liệu Dân trí có được về giá xăng RON 92 Singapore, đến thời điểm hiện tại, mức giá mặt hàng này đã quay về với vùng giá hồi tháng 5.
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/8/2013, mức giá xăng RON 92 Singapore là 112.7 USD/tấn, tăng nhẹ 0,45% so với giá ngày hôm trước. Tuy vậy, mức này đã giảm 10,2% so với mức đỉnh thiết lập ngày 15/7 (125,5 USD/thùng) và thấp hơn so với mức giá đóng cửa ngày 13/6 (116,5 USD/thùng). Kể từ 16/7 đến nay, giá xăng RON 92 giảm mạnh.
Trong khoảng thời gian này (trung tuần tháng 6 đến trung tuần tháng 7), giá xăng trong nước đã được điều chỉnh tăng 3 lần. Lần thứ nhất vào ngày 14/6 tăng 420-430 đồng/lít. Lần thứ 2 vào ngày 28/6 tăng 360-370 đồng/lít. Lần thứ 3 vào ngày 17/7 tăng 460-470 đồng/lít.
Cần nhắc lại rằng, hồi đầu tháng 5, khi giá cơ sở trung bình 30 ngày thấp hơn giá bán lẻ xăng RON 92 hơn 400 đồng, thay vì cho phép giảm giá bán lẻ thì Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 58/2013/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu.
Theo đó từ 8/5, nâng thuế nhập khẩu xăng từ 16% lên 19%; thuế nhập khẩu nhiên liệu diesel cho ôtô và nhiên liệu diesel khác thay đổi từ 12% lên 14%; thuế nhập khẩu dầu nhiên liệu từ 14% lên 15%.
Thời gian này, giá xăng RON 92 Singapore đang dao động quanh vùng 110-112 USD/thùng.
Vì sao giá trong nước vẫn đứng yên?
Với việc giá xăng trong nước thời điểm hiện tại đang quay về vùng giá của hồi tháng 5 - lúc chưa có 3 đợt tăng nói trên, thì tới nay vẫn chưa có đợt giảm nào đã đặt ra nhiều dấu hỏi cho dư luận.
Theo lý giải của Bộ Công thương, giá xăng chưa giảm do vẫn phải tuân thủ quy định tại Nghị định 84, việc giảm giá bán lẻ xăng dầu căn cứ vào bình quân giá xăng dầu thế giới 30 ngày và các yếu tố đầu vào liên quan khác.
“Nút thắt” nằm ở khoảng thời gian 30 ngày này! Quan sát đồ thị diễn biến giá xăng theo ngày, giá bình quân 10 ngày và giá bình quân 30 ngày rõ ràng thấy sự khác biệt. Trong khi giá cập nhật theo ngày và giá bình quân 10 ngày lao dốc thì giá bình quân 30 ngày gần như đi ngang từ đợt tăng giá 17/7 tới nay.
Và với cách tính này, giá cơ sở tới 7/8 vẫn đang ở mức 25.110 đồng/lít, cao hơn giá bán lẻ hiện hành 540 đồng/lít tương ứng 2,15%, hay nói cách khác, trong khi người dân nóng ruột trông ngóng về một quyết định giảm giá thì cơ quan điều hành vẫn có cơ sở để khẳng định, về nguyên tắc giá chưa thể giảm.
Chưa kể, việc tỷ giá liên ngân hàng tăng 1% và nâng thuế nhập khẩu xăng dầu hồi tháng 5 cũng góp phần khiến giá cơ sở bị đội lên cao. Tính ra, các loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng) chiếm tới 6.975 đồng, tương ứng 28,4% giá bán, trong đó, thuế nhập khẩu đã bằng 11,3% so với giá cơ sở.
Những bất cập trong quy định về điều hành giá xăng dầu của Nghị định 84 không phải đến thời gian này mới lộ rõ. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng, việc căn cứ giá bình quân 30 ngày là quá dài và không phản ánh đúng diễn biến, xu hướng giá thế giới trong thực tế, dẫn đến tình trạng "tăng nhanh, giảm chậm" trong điều hành giá xăng dầu trong nước. Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, chỉ nên lấy giá bình quân 10 ngày.
Bộ Công thương cho biết, sau 4 lần sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định 84 thì có tới 23 điều sửa đổi và 2 điều bổ sung đã khiến Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan yêu cầu cần Nghị định mới thay thế hoàn toàn. Dù vậy, dự thảo nghị định mới phải đến 30/9 mới được trình Chính phủ xem xét trước khi ban hành. Cho tới khi có văn bản pháp luật mới thay thế Nghị định 84, người tiêu dùng sẽ vẫn phải trong tình trạng “giật mình” khi giá tăng và chờ không biết lúc nào giá trong nước giảm giữa lúc giá thế giới đã hạ từ 1 tháng trước đó.